Du học Thụy Sĩ có được ở lại sau khi tốt nghiệp hay không?

Du học Thụy Sĩ có được ở lại sau khi tốt nghiệp hay không? Thụy Sĩ là quốc gia lý tưởng để bắt đầu sự nghiệp vì lương cao, thuế thấp. Tuy nhiên sau khi du học Thụy Sĩ, nhiều sinh viên quốc tế băn khoăn về khả năng ở lại vì thị trường lao động cạnh tranh. May mắn là họ vẫn có cơ hội ở lại tìm việc nếu đáp ứng được yêu cầu khắt khe của chính phủ nước này. 

Du học Thụy Sĩ có được ở lại không
Du học Thụy Sĩ có được ở lại sau khi tốt nghiệp hay không?

Thụy Sĩ là quốc gia nhỏ bé với vỏn vẹn 8,8 triệu dân. “Nhỏ nhưng có võ”, đất nước này không những là nền kinh tế ổn định bậc nhất thế giới với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,3% mà còn nổi tiếng về chất lượng giáo dục, nghiên cứu hàng đầu. Riêng năm 2024, có tới 78000 sinh viên quốc tế đến với Thụy Sĩ, trong đó không ít người muốn ở lại sau khi tốt nghiệp để phát triển sự nghiệp, xây dựng cuộc sống mới.

Vậy sinh viên du học Thụy Sĩ có được ở lại sau khi tốt nghiệp hay không? Dù thị trường lao động ở Thụy Sĩ tương đối cạnh tranh, chính sách định cư có phần nghiêm ngặt nhưng chính phủ vẫn cho phép du học sinh ở lại tìm việc trong vòng 6 tháng, từ đó mở ra cơ hội sinh sống lâu dài nếu thỏa mãn những yêu cầu nêu trong bài viết dưới đây.

Thụy Sĩ cho phép du học sinh ở lại tối đa 6 tháng sau khi tốt nghiệp
Thụy Sĩ cho phép du học sinh ở lại tối đa 6 tháng sau khi tốt nghiệp, từ đó mở ra cơ hội tìm việc – định cư

Du học Thụy Sĩ có được ở lại sau khi tốt nghiệp hay không? – Quy định

Nếu đã hoàn thành chương trình du học Thụy Sĩ và giấy phép cư trú hiện tại vẫn còn hiệu lực, sinh viên quốc tế không thuộc nhóm EU/EFTA (trong đó có Việt Nam) được phép ở lại Thụy Sĩ cho tới khi giấy phép hết hạn. Bạn có thể gia hạn giấy phép cư trú tối đa 6 tháng để xin việc, đơn xin gia hạn phải được nộp trước khi giấy phép cũ hết hiệu lực. 

Dù vậy, thời hạn 6 tháng được tính từ ngày tốt nghiệp chứ không phải từ ngày giấy phép cư trú cũ hết hạn. Ví dụ, nếu bạn tốt nghiệp từ 3 tháng trước thì thời gian bạn được phép cư trú tại Thụy Sĩ chỉ kéo dài thêm 3 tháng mà thôi. Trong thời gian này, bạn có quyền làm việc tối đa 15 tiếng/tuần.

Sinh viên Thụy Sĩ
Sinh viên cần lưu ý rằng thời hạn 6 tháng được tính từ ngày tốt nghiệp

Những giấy tờ cần thiết để nộp đơn xin giấy phép cư trú với mục đích tìm việc làm sau khi kết thúc chương trình du học Thụy Sĩ bao gồm:

  • Hộ chiếu
  • Giấy phép cư trú tại Thụy Sĩ (còn hiệu lực)
  • Sao kê tài khoản với ít nhất 10500 CHF (331 triệu VNĐ) để chứng minh bản thân đủ khả năng tài chính trong 6 tháng tìm việc ở Thụy Sĩ
  • Bản sao bằng tốt nghiệp (nếu chưa nhận được bằng, sinh viên nộp thư xác nhận từ chương trình học, trong đó xác nhận rằng bạn đã hoàn thành chương trình học và ghi rõ ngày cấp bằng)
  • Hợp đồng thuê nhà 
  • Mẫu đơn gia hạn nêu rõ mục đích của việc gia hạn (VD: mục đích tìm kiếm việc làm)

Những giấy tờ này cần được nộp tại Văn phòng di trú bang (Cantonal Migration Office). Lệ phí gia hạn giấy phép cư trú với mục đích tìm kiếm việc làm sau khi du học Thụy Sĩ là 102 CHF (3,2 triệu VNĐ). 

Những loại giấy phép làm việc dành cho người hoàn thành chương trình du học Thụy Sĩ

Nếu du học sinh tìm việc thành công trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp, họ có thể xin giấy phép làm việc (work permit). Người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ nhờ các loại giấy phép như L Permit (thường trú ngắn hạn), B Permit (thường trú dài hạn), C Permit (thường trú vô thời hạn), hoặc theo diện đoàn tụ gia đình.

L Permit dành cho công dân ngoài khối EU/EFTA

L Permit là giấy phép cư trú ngắn hạn, dành cho công dân nước ngoài có kế hoạch lưu trú ở Thụy Sĩ vì mục đích cụ thể (thường dưới 1 năm). Để được cấp L Permit, nhà tuyển dụng nộp đơn bảo lãnh cư trú cho người lao động. Họ cần chứng minh rằng không thể tìm được ứng viên phù hợp trong nước hoặc từ các quốc gia thành viên EU/EFTA và phải tuân thủ nguyên tắc ưu tiên của thị trường lao động. 

Về phần người lao động, họ cần có kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn, chẳng hạn như bằng đại học và kinh nghiệm làm việc, qua đó đủ khả năng lấp đầy tình trạng thiếu hụt lao động ở Thụy Sĩ.

Hiệu lực của L Permit gắn liền với thời hạn của hợp đồng lao động (tối đa 1 năm). Có thể gia hạn L Permit nhưng phải tuân theo hạn ngạch hàng năm và cân nhắc một số quy định cụ thể. Việc gia hạn L Permit đúng thời hạn rất quan trọng vì chính quyền sẽ đánh giá các điều kiện ban đầu để cấp giấy phép có còn được đáp ứng trong quá trình gia hạn hay không.

Quy trình nộp đơn: Nhà tuyển dụng nộp đơn xin L Permit tại Cơ quan di trú bang – nơi người lao động dự kiến sẽ làm việc trong tương lai. Quy trình này bao gồm nhiều thủ tục hành chính, việc phê duyệt chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định.

B Permit dành cho công dân ngoài khối EU/EFTA

Giấy phép B Permit cho phép người nước ngoài sinh sống tại Thụy Sĩ trong thời gian dài, tuy nhiên công dân ngoài khối EU/EFTA sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì phải tuân theo hạn ngạch. Để được cấp B Permit, người lao động cần được nhà tuyển dụng bảo lãnh. Nhà tuyển dụng phải chứng minh rằng không thể tìm được ứng viên phù hợp trong nước hoặc từ các quốc gia thành viên EU/EFTA.

Về phần người lao động, họ cần có kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn, chẳng hạn như bằng đại học và kinh nghiệm làm việc nhiều năm, qua đó đủ khả năng lấp đầy tình trạng thiếu hụt lao động ở Thụy Sĩ.

B Permit thường hiệu lực 1 năm, nhưng có thể gia hạn hàng năm nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc và đáp ứng điều kiện chính quyền đưa ra. Họ được quyền đưa gia đình tới Thụy Sĩ nếu có nhà ở phù hợp và đủ khả năng tài chính. 

Việc gia hạn B Permit đúng thời hạn vô cùng quan trọng. Chính quyền sẽ kiểm tra xem các điều kiện ban đầu của giấy phép có còn được đáp ứng hay không. Ngoài ra, chính quyền có thể kỳ vọng người sở hữu B Permit thể hiện nỗ lực hòa nhập, chẳng hạn như học các ngôn ngữ chính thức (tiếng Ý, Pháp, Đức hoặc Romansh) và thấu hiểu chuẩn mực văn hóa – xã hội của Thụy Sĩ.

Quy trình nộp đơn: Ứng viên nộp đơn tại Cơ quan di trú của tiểu bang nơi họ dự định làm việc. Quy trình này bao gồm nhiều thủ tục hành chính, việc phê duyệt chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định.

Sinh viên tốt nghiệp tại Thụy Sĩ cần được nhà tuyển dụng bảo lãnh để có giấy phép L Permit và B Permit 
Sinh viên cần được nhà tuyển dụng bảo lãnh để có giấy phép L Permit và B Permit

C Permit

C Permit còn gọi là giấy phép định cư, cho công dân nước ngoài quyền cư trú vô thời hạn tại Thụy Sĩ. Công dân nước ngoài nói chung đủ điều kiện xin C Permit sau 10 năm sinh sống liên tục ở nước này và đáp ứng một số yêu cầu hội nhập như sau:

  • Có trình độ ngôn ngữ chính thức ở bang mình cư trú, kỹ năng viết tối thiểu ở bậc A1 và kỹ năng nói tối thiểu ở bậc A2
  • Không có tiền án
  • Độc lập tài chính, không phụ thuộc vào trợ cấp xã hội

Một khi được cấp C Permit, công dân nước ngoài có thể nộp đơn xin quốc tịch Thụy Sĩ sau khi sống tại Thụy Sĩ ít nhất 12 năm.

Đoàn tụ gia đình (Family Reunification)

Sinh viên kết hôn với công dân Thụy Sĩ hoặc có con là công dân Thụy Sĩ có thể nộp đơn xin đoàn tụ gia đình. Nhờ vậy, họ có B Permit hoặc C Permit mà không cần lời mời làm việc hoặc các yêu cầu khác.

Cơ hội tìm việc lâu dài ở Thụy Sĩ

Tuy thị trường lao động ở Thụy Sĩ cạnh tranh, đất nước này có nhiều chính sách ưu tiên người dân trong nước và khối EU/EFTA, nhưng điều đó không có nghĩa là du học sinh không thể tìm được việc làm. Hiện tại, Thụy Sĩ đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao ở những lĩnh vực như Xây dựng, Chăm sóc sức khỏe, Công nghệ thông tin, Thương mại và bán lẻ.

Theo báo cáo mới nhất của Dịch vụ việc làm Châu Âu, 10 ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhất ở Thụy Sĩ là:

  • Điều dưỡng viên
  • Bác sĩ
  • Nha sĩ
  • Chuyên gia vật lý trị liệu
  • Các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
  • Nhà phát triển phần mềm
  • Chuyên gia phân tích hệ thống
  • Luật sư
  • Kỹ sư môi trường

Nếu du học sinh tốt nghiệp những ngành này ở các trường đại học Thụy Sĩ, cơ hội tìm việc cũng rộng mở hơn. Thị trường việc làm ở những thành phố lớn như Basel, Bern, Geneva, Zurich, Lausanne cũng nhộn nhịp hơn vùng nông thôn. Đây là lợi thế cho du học sinh, bởi đa số đại học lớn của Thụy Sĩ tập trung ở các thành phố này. 

cơ hội nghề nghiệp tại Thụy Sĩ
Cơ hội làm việc rộng mở với những sinh viên tốt nghiệp ngành thiếu nhân lực ở Thụy Sĩ

Tóm lại, du học sinh hoàn toàn có thể ở lại Thụy Sĩ sau khi tốt nghiệp nếu có năng lực, đủ kiên trì để vượt qua những rào cản như thủ tục visa, khó khăn khi tìm việc và tìm nhà tuyển dụng đồng ý bảo lãnh giấy phép lao động. Nếu thật sự có tham vọng làm việc – định cư tại Thụy Sĩ, bạn hãy chuẩn bị hồ sơ kỹ càng, củng cố năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ ngay từ khi ngồi ghế nhà trường. 

Nếu cần thêm thông tin về những ngành học có đầu ra rộng mở khi du học Thụy Sĩ cũng như thủ tục xin việc – định cư, Quý phụ huynh và các bạn học sinh hãy liên lạc với tư vấn viên của SmartA để được hỗ trợ tốt nhất.  

>> Liên hệ du học SmartA để được hỗ trợ MIỄN PHÍ tư vấn và làm hồ sơ du học Thụy Sĩ

Hotline:

  1. Du học châu Âu: 0969556827
  2. Du học Canada, Mỹ, Singapore: 0988978384

-> Hotline/Zalo hỗ trợ tư vấn chung Miền Bắc & Miền Trung: 098 634 5518

-> Hotline/Zalo hỗ trợ tư vấn chung Miền Nam: 098 938 7836

Địa chỉ:

  1. SmartA Hà Nội: Tầng 4, Toà nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà,Quận Cầu Giấy, Hà Nội
  2. SmartA TP. Hồ Chí Minh: Toà nhà Lim Tower 3, 29A Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
  3. SmartA châu Âu: Lisdonagh, Bishop O’donnell Road, Galway, Ireland.
  4. SmartA Canada: 1322 Rockland Ave, Victoria, BC V8S 1V6 Canada

Thông tin khác:

Đánh giá bài viết