Kinh nghiệm du học Thụy Sĩ: Từ chuẩn bị hồ sơ đến thích nghi cuộc sống. Du học Thụy Sĩ ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì chất lượng giáo dục, bằng cấp giá trị toàn cầu. Nhưng không ít sinh viên còn bỡ ngỡ từ khâu chuẩn bị hồ sơ, chọn trường – ngành học, xin visa cho đến việc làm quen với cuộc sống xa nhà. Thế nên, việc tìm hiểu và tích lũy kinh nghiệm thực tế là điều cần thiết để tránh bỡ ngỡ và chủ động hơn khi bắt đầu hành trình du học Thụy Sĩ.

Năm vừa qua, Thụy Sĩ đón tới hơn 78.000 du học sinh quốc tế, trong đó tỷ lệ du học sinh Châu Á chiếm 14,6%. Không ở đâu xa, ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam lựa chọn quốc gia này là điểm dừng chân trên hành trình kiếm tìm kiến thức vì môi trường an toàn, thân thiện, chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất trong nhà trường đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, các trường đại học Thụy Sĩ có thể khiến không ít sinh viên bỡ ngỡ trước những yêu cầu như chọn ngành phù hợp, chuẩn bị hồ sơ, xin visa, ước lượng chi phí, hay thậm chí là làm thế nào để thích nghi với môi trường sống mới. Dưới đây là những kinh nghiệm cần thiết để giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho hành trình du học Thụy Sĩ của mình.

Tóm tắt nội dung
Chuẩn bị trước khi du học Thụy Sĩ
Chọn ngành và trường phù hợp
Một khi xác định du học Thụy Sĩ, sinh viên cần cân nhắc chọn ngành học phù hợp với nhu cầu, sở thích, năng lực cũng như cơ hội đầu ra. Những ngành học được thu hút du học sinh nhất bao gồm Quản trị khách sạn (Hospitality), Quản trị kinh doanh (Business Administration), Kỹ thuật (Engineering), Tài chính (Finance), Công nghệ sinh học (Biotechnology) và Công nghệ thông tin & Truyền thông (ICT).
Sau khi đã chọn được ngành, du học sinh tiến hành tìm hiểu trường đại học cung cấp chương trình mình muốn học và mức học phí cần chi trả. Học phí ở các đại học công lập Thụy Sĩ tương đối phải chăng vì được chính phủ tài trợ, trung bình chỉ tốn 1.000 – 2.000 CHF/năm (28 – 56 triệu VNĐ).
Ngược lại, học phí ở đại học tư nhân Thụy Sĩ đắt đỏ hơn, có thể lên tới hơn 40.981 CHF/năm (hơn 1,1 tỷ VNĐ).

Tùy từng cơ sở giáo dục, sinh viên có khả năng được giảm học phí nếu thanh toán toàn bộ tiền học trước khi bắt đầu chương trình học. Khi tính toán học phí cho các chương trình khác nhau, có nhiều yếu tố được xem xét, chẳng hạn như tổng số khóa học hoặc số tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp.
Cần lưu ý rằng đa số chương trình đào tạo ngành Quản trị khách sạn được giảng dạy ở đại học tư nhân, bởi đây là ngành có tính thực hành cao. Các trường tư nhân thường có hệ thống khách sạn, nhà hàng riêng hoặc quan hệ đối tác với các tập đoàn khách sạn toàn cầu, thuận tiện cung cấp môi trường thực tập cho sinh viên.
Mặt khác, các đại học tư nhân ở Thụy Sĩ giảng dạy bằng tiếng Anh ở cả bậc đại học và sau đại học. Các khóa học tiếng Anh ở đại học công lập chỉ phổ biến ở bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ, còn lại là chương trình tiếng Pháp, tiếng Đức hoặc tiếng Ý. Đây cũng là yếu tố du học sinh cần cân nhắc trong việc chọn trường.
Chuẩn bị hồ sơ & xin visa du học
Sinh viên du học Thụy Sĩ chương trình Cử nhân ở cần có bằng tốt nghiệp THPT và chứng nhận ngoại ngữ. Trong 3 năm THPT, bạn cần có kết quả kết quả học tập ở ít nhất 6 môn học như sau:
- Ngôn ngữ thứ nhất (thường là tiếng Việt – môn Văn)
- Ngôn ngữ thứ 2 (có thể là tiếng Anh, tiếng Pháp,…)
- Toán học
- Một môn Khoa học tự nhiên (Sinh học, Hóa học hoặc Vật lý)
- Một môn Khoa học xã hội & nhân văn (Địa lý hoặc Lịch sử)
- Một môn tự chọn (có thể chọn từ nhóm ngôn ngữ thứ 2, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội & nhân văn hoặc Tin học hay Triết học. Lưu ý rằng Tin học/ Triết học chỉ được chọn làm môn thứ 6)
Ngoài ra một số trường hoặc khóa học có thể yêu cầu thi đầu vào. Tùy đại học hoặc bang ở Thụy Sĩ sẽ có yêu cầu khác nhau, sinh viên cần kiểm tra kỹ với trường mình định theo học.
Sinh viên đăng ký chương trình Thạc sĩ cần chuẩn bị:
- Bằng tốt nghiệp đại học
- CV hoặc bản tóm tắt quá trình làm việc (resume)
- Thư giới thiệu
- Bài luận mục tiêu học tập (statement of purpose)
- Bảng điểm các chứng chỉ IELTS/ TOEFL/ GMAT
- Chứng nhận kinh nghiệm làm việc (nếu có)
Cũng giống chương trình Cử nhân, mỗi trường đại học sẽ có yêu cầu đầu vào khác nhau dành cho sinh viên theo học Thạc sĩ. Một số khóa học còn yêu cầu ứng viên trải qua vòng phỏng vấn. Bạn nên tìm hiểu kỹ qua website trường hoặc liên hệ tư vấn viên của SmartA để được tư vấn kỹ càng.
Sau khi nhận được thư xác nhận của trường đại học phía Thụy Sĩ, sinh viên có thể tiến hành nộp đơn xin visa. Người học chương trình Cử nhân và Thạc sĩ sẽ xin visa type D với những yêu cầu như sau:
- 3 đơn xin visa (type D) điền đầy đủ thông tin, có dán ảnh, ghi ngày và ký tên bởi người nộp đơn
- Ảnh thẻ size hộ chiếu, chụp gần đây
- Hộ chiếu còn hiệu lực tối thiểu 3 tháng sau ngày nhập cảnh dự kiến, có ít nhất 2 trang trắng
- Bản sao trang thông tin cá nhân của hộ chiếu, trong đó có tất cả các trang có visa Schengen hoặc dấu xuất/ nhập cảnh trước đây
- Xác nhận từ trường phía Thụy Sĩ (ghi rõ người nộp đã được chấp nhận và đóng học phí, nộp bản gốc và bản sao)
- Chứng minh tài chính đủ điều kiện chi trả cho toàn bộ thời gian lưu trú ở Thụy Sĩ
- Sao kê ngân hàng/ sổ tiết kiệm của người nộp đơn hoặc người bảo trợ kèm thư bảo lãnh (có chữ ký công chứng – nộp bản gốc và bản sao)
- Sơ yếu lý lịch (CV) và thư động lực (motivation letter), trong đó trình bày lý do học tại Thụy Sĩ, kế hoạch sau tốt nghiệp và cam kết rời Thụy Sĩ sau khi học xong (nộp bản gốc và bản sao)
- Bằng cấp học vấn gần nhất (nộp bản sao công chứng và bản photo)
- Nếu chương trình học bằng tiếng Anh, phải nộp chứng chỉ IELTS hợp lệ có công chứng và bản photo
- Trường hợp người nộp đơn là người chưa thành niên:
Đơn xin visa phải được cả cha và mẹ ký (hoặc người giám hộ hợp pháp ký)
- Thư chấp thuận của phụ huynh (có chữ ký công chứng, có thể đính kèm trong thư bảo lãnh)
- Giấy khai sinh của người nộp đơn (bản công chứng và bản photo)
- Hộ chiếu hoặc CCCD của cha mẹ hoặc người giám hộ (bản công chứng và bản sao)
Từ 11/6/2024, phí visa du học Thụy Sĩ là 2,5 triệu VNĐ. Quan trọng, tất cả tài liệu tiếng Việt cần nộp kèm bản dịch công chứng (không quá 6 tháng) sang một trong các ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ hoặc tiếng Anh. Tài liệu phải được trình bày trên khổ A4, chỉ những hồ sơ đầy đủ mới được chấp nhận.
Thời gian trả kết quả visa du học Thụy Sĩ từ 8 – 12 tuần.
Yêu cầu ngôn ngữ
Các đại học công lập Thụy Sĩ thường giảng dạy chương trình Cử nhân bằng tiếng Đức hoặc tiếng Đức, một số khóa học có tiếng Anh nhưng không nhiều. Ngôn ngữ này được giảng dạy phổ biến hơn ở chương trình sau đại học và các đại học tư nhân. Do đó, sinh viên cần kiểm tra kỹ lưỡng yêu cầu ngoại ngữ đầu vào của đại học, khóa học mà mình dự định đăng ký.
Dưới đây là những đại học công lập top đầu Thụy Sĩ và ngôn ngữ giảng dạy chính của họ.
Ngôn ngữ | Trường đại học |
Tiếng Đức | University of Basel
University of Bern University of Zurich The Federal Institute of Technology in Zurich University of Lucerne University of St.Gallen University of Fribourg |
Tiếng Pháp | University of Geneva
University of Lausanne University of Fribourg University of Neuchâtel Federal Institute of Technology in Lausanne |
Để được nhận vào các chương trình tiếng Pháp và tiếng Đức tại đại học công lập Thụy Sĩ, du học sinh cần những chứng chỉ tương ứng:
- Tiếng Đức: TestDaF, DSH, Goethe-Zertifikat hoặc telc Deutsch từ B2 đến C1
- Tiếng Pháp: DELF B2 hoặc DALF C1
Nếu đăng ký vào các trường đại học hoặc khóa học tiếng Anh, sinh viên cần chuẩn bị chứng chỉ IELTS, TOEFL iBT. Điểm số trung bình của những chứng chỉ này như sau:
- IELTS: 6.0 – 7.0 (một số trường đào tạo ngành Quản trị khách sạn có thể yêu cầu IELTS 5.0 cho chương trình Cử nhân)
- TOEFL iBT: 80 – 100
Kinh nghiệm học tập tại Thụy Sĩ
Tương tự hình thức giảng dạy ở các trường đại học ở Châu Âu, phần lớn môn học ở Thụy Sĩ được giảng dạy dưới hình thức bài giảng (lecture) thay vì thảo luận tương tác. Giảng viên sẽ giảng liên tục suốt tiết học và sinh viên ở dưới ghi chép. Điều này khiến mối quan hệ thầy – trò ở Thụy Sĩ có phần trang trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể chủ động bắt chuyện với thầy cô hay nhờ họ giúp đỡ.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục Thụy Sĩ khuyến khích sinh viên tự học, vì vậy bạn cần rèn luyện tính kỷ luật để hoàn thành bài tập đúng hạn, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

Bí quyết tiết kiệm khi du học Thụy Sĩ
Chọn nơi sống phù hợp với khả năng tài chính
Chi phí du học Thụy Sĩ chịu ảnh hưởng đáng kể bởi sinh hoạt phí. Trung bình, một du học sinh phải bỏ ra 1200 – 1600 CHF/tháng (33,6 – 44,8 triệu VNĐ) để chi trả tiền nhà, tiền ăn, phương tiện đi lại và mua sắm. Nếu sinh sống và học tập ở những thành phố đắt đỏ như Zurich, Geneva, Bern, Lausanne, Basel thì chi phí sinh hoạt cũng cao hơn, bạn phải chi trả nhiều hơn nếu muốn sống thoải mái. Ngược lại, các thành phố nhỏ, vùng ngoại ô mang lại lựa chọn tiết kiệm hơn.
Dưới đây là mức chi tiêu trung bình 1 tháng tại 4 thành phố lớn ở Thụy Sĩ.
Thành phố | Mức chi tiêu trung bình 1 tháng (CHF) |
Geneva | 1570 – 2375 |
Zurich | 1570 – 2090 |
Bern | 1520 |
Basel | 1330 – 1900 |
Chọn hình thức cư trú phù hợp
3 hình thức cư trú phổ biến cho du học sinh Thụy Sĩ gồm:
- Ký túc xá
Hầu hết các trường đại học Thụy Sĩ cung cấp ký túc xá cho sinh viên. Bạn có thể tiết kiệm chi phí nhờ sống chung với người khác, nhưng số lượng phòng có hạn, không phải ai cũng có thể nhanh chân đăng ký.
- Thuê căn hộ chung cư
Tiền thuê căn hộ ở Thụy Sĩ dao động từ 570 – 666 CHF/tháng (5,9 đến 18,6 triệu VNĐ). Nếu tìm được người thuê chung, cùng chia sẻ hóa đơn điện, nước, sinh viên sẽ đỡ một phần chi phí.
- Ở chung với gia đình bản xứ
Hình thức cư trú này giúp sinh viên làm quen với cuộc sống của người Thụy Sĩ, nâng cao trình độ ngôn ngữ và tiết kiệm chi phí chỗ ở. Dù vậy, bạn có thể đối mặt với một số bất tiện như khác biệt văn hóa, lối sống, vv…
Người xưa có câu “An cư lạc nghiệp” để nói lên tầm quan trọng của nơi sống, bởi đây là nơi gắn bó với du học sinh suốt thời gian học tập ở xứ người. Bạn nên tìm chỗ ở trước khi bắt đầu vào học vài tháng, bởi nhu cầu nhà ở giá rẻ cho sinh viên thường cao vào đầu học kỳ. Bên cạnh đó, sinh viên có thể sử dụng các nền tảng và website như Students.ch, Homegate.ch, Comparis.ch,… Những trang web này thường các ưu đãi cho sinh viên, cho phép bạn lọc tìm kiếm theo ngân sách và địa điểm.
Ngoài ra, du học sinh có thể tranh thủ sự hỗ trợ từ trường đại học mình đăng ký. Văn phòng nhà ở và mạng lưới nội bộ của trường đại học là nguồn thông tin giá trị để khám phá cơ hội tìm nhà.

Tiết kiệm chi phí ăn uống, đi lại và bảo hiểm y tế
Vì giá cả đắt đỏ nên đa số sinh viên Thụy Sĩ tự nấu ăn ở nhà và chỉ đi nhà hàng vào những dịp đặc biệt. Dự trù chi phí dành cho thực phẩm trong vòng 1 tháng khoảng 380 – 523 CHF (10,6 – 14,6 triệu VNĐ). Con số này có thể dao động tùy theo mức sống mỗi người.
Một tip tiết kiệm khi du học Thụy Sĩ là mua sắm sau 5 giờ chiều vì nhiều cửa hàng giảm giá một số mặt hàng từ 25 – 50%. Ngoài ra, sinh viên có thể dùng bữa ở canteen trường học với giá cả dao động từ 7 – 9 CHF (196 – 252 nghìn VNĐ). Những quán ăn nhẹ hoặc nhà hàng nằm trong các cửa hàng bách hóa như Migros, Coop hoặc Manor cũng là lựa chọn để bạn “đổi gió” sau những bữa ăn tự nấu mà không tốn quá nhiều chi phí.
Chi phí đi lại cũng ngốn một khoản kha khá trong hầu bao của du học sinh (trung bình 70 – 120 CHF/tháng (2,2 – 3,7 triệu VNĐ)). May mắn thay, nhiều trường đại học và cơ quan giao thông ở quốc gia này cung cấp chương trình giảm giá cho sinh viên, chẳng hạn như thẻ Swiss Half Fare Card cho phép họ di chuyển khắp cả nước với giá chỉ bằng một nửa giá gốc. Ngoài ra, họ có thể mua vé tháng và được phép di chuyển không giới hạn trong các khu vực nhất định.
Nếu trường học gần nơi bạn ở, bạn có thể đi bộ hoặc đạp xe.
Bảo hiểm y tế là điều khoản bắt buộc đối với du học sinh Thụy Sĩ. Chi phí bảo hiểm y tế tại Thụy Sĩ dao động từ 238 – 314 CHF/tháng (6,6 – 8,7 triệu VNĐ) bao gồm phí bảo hiểm hàng tháng, mức khấu trừ (deductible), phí giữ lại (retention fee) và đóng góp khi nằm viện. Tuy nhiên, sinh viên có thể tiết kiệm chi phí nhờ trợ cấp bảo hiểm y tế dành cho người có thu nhập thấp, chọn mức khấu trừ cao hơn để giảm phí bảo hiểm hàng tháng hoặc đăng ký mua bảo hiểm y tế ở các công ty bảo hiểm chi phí thấp.
Đọc thêm: Chi phí du học Thụy Sĩ 2025
Tìm kiếm học bổng và đi làm thêm
Bên cạnh việc thắt chặt các khoản chi không cần thiết, du học sinh có thể tìm kiếm học bổng từ chính phủ Thụy Sĩ, các tổ chức tư nhân hoặc chính trường đại học mà bản thân có nguyện vọng đăng ký. Ngoài ra, bạn được phép làm các công việc bán thời gian 15 tiếng/tuần với mức lương trung bình 1 giờ từ 20 – 24 CHF (560 – 672 nghìn VNĐ).
Một lợi thế khác dành cho du học sinh Thụy Sĩ là những kỳ thực tập có hưởng lương, đặc biệt trong ngành Quản trị khách sạn. Để biết chương trình học của mình có bao gồm kỳ thực tập hưởng lương hay không, sinh viên nên tìm kiếm trên website trường hoặc liên hệ với tư vấn viên SmartA để được hỗ trợ.
Vượt qua rào cản văn hóa – giao tiếp như thế nào?
Văn hóa Thụy Sĩ dựa trên sự tôn trọng, lịch sự và đúng giờ. Hầu hết người Thụy Sĩ có mạng lưới quan hệ gắn bó chặt chẽ và lối sống kín đáo, thế nên thời gian đầu nhiều du học sinh có thể cảm thấy quá trình “phá băng” tương đối khó khăn.
Tuy nhiên, đừng vội nản lòng, bởi sau một thời gian họ sẽ vui vẻ chào đón bạn và bộc lộ sự thân thiện nếu bản thân chúng ta bày tỏ sự cởi mở và thật lòng. Du học sinh cũng có thể mở rộng mạng lưới quan hệ bằng cách tham gia các hoạt động của nhà trường, kết giao với sinh viên đồng hương,… Nhìn chung, học tập ở một quốc gia khác đồng nghĩa với việc bạn phải tiếp xúc với nền văn hóa khác biệt so với những gì mình từ trải qua từ thuở lọt lòng. Do đó, du học sinh cần tìm hiểu về văn hóa, lối sống của người Thụy Sĩ để tìm cách hòa nhập, tránh cảm giác lạc lõng hoặc những tình huống khó xử không đáng có.