Kinh nghiệm xin thực tập tại Pháp – Hướng dẫn A–Z cho sinh viên quốc tế 2025

Kinh nghiệm xin thực tập tại Pháp! Thực tập ( Stage) gần như là bắt buộc đối với tất cả các sinh viên bậc Đại học và Thạc sĩ tại Pháp. Đây cùng một cơ hội tốt cho các bạn sinh viên để vừa được tăng vốn kinh nghiệm làm việc, áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế, tạo điểm mạnh cho hồ sơ xin việc sau này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được địa điểm thực tập phù hợp với mong muốn của bản thân. Bạn có thể phải gửi hàng trăm hồ sơ mới nhận được thực tập là chuyện bình thường. Vì vậy, chuẩn bị tốt hồ sơ và nộp hồ sơ sớm là điều rất quan trọng. 

Trong bài viết này, du học SmartA xin gửi tới các bạn một vài lưu ý. Hy vọng có thể giúp các bạn chuẩn bị kỹ hơn cho việc tìm thực tập tại Pháp.

1. Thực tập tại Pháp có bắt buộc không?

Ở các bậc Đại học và Thạc sĩ tại Pháp, tuỳ theo ngành học và trường học, ngay từ năm nhất đại học (Bac+1) bạn có thể phải làm thực tập bắt buộc. Những thực tập như vậy thường phải kéo dài ít nhất 1 đến 3 tháng. Ngoài ra, đa số sinh viên của tất cả các ngành học đều phải làm một kỳ thực tập cuối khoá học (stage de fin d’études) kéo dài tối đa 6 tháng. 

Đối với lương cho thực tập sinh, mỗi công ty có một chế độ riêng. Nếu thời gian thực tập dưới 2 tháng, công ty có quyền trả hoặc không trả lương cho bạn. Với thời gian thực tập từ 2 tháng trở lên, Luật quy định công ty bắt buộc phải trả lương tối thiểu ở mức 15% (số liệu tham khảo 2025) của planfond horaire de la sécurité sociale (mức trần của bảo hiểm xã hội) nghĩa là 3,75 Euro/1 giờ thực tập. 

Hầu như tất cả các bạn thực tập sinh luôn được làm đúng công việc theo đề tài thực tập của mình ở công ty, mỗi thực tập sinh luôn có hai thầy hướng dẫn và theo dõi: một tuteur (thầy hướng dẫn) ở trường và một tuteur ở công ty. 

Kinh nghiệm xin thực tập tại Pháp - Hướng dẫn A–Z cho sinh viên quốc tế 2025
Kinh nghiệm xin thực tập tại Pháp – Hướng dẫn A–Z cho sinh viên quốc tế 2025

2. Bắt đầu tìm thực tập từ khi nào?

Sinh viên nên bắt đầu tìm kiếm thực tập ít nhất 6 tháng trước kỳ thực tập chính thức. Các kỳ thực tập thường diễn ra vào học kỳ 2 của năm học hoặc kỳ hè. Việc tìm stage cạnh tranh do số lượng sinh viên rất đông, vì vậy chuẩn bị sớm và kỹ là chìa khóa thành công.

3. Tìm thực tập tại Pháp ở đâu?

Để xin thực tập ở Pháp, bạn bắt buộc phải có CV và lettre de motivation (thư động lực), nếu CV của bạn được lựa chọn, công ty sẽ liên lạc để phỏng vấn 1 – 2 vòng trước khi chính thức nhận bạn vào làm việc. Quá trình để được nhận vào thực tập có thể phải trải qua một hoặc 2 vòng phỏng vấn. 

Để tiếp cận với các offre thực tập, bạn có rất nhiều phương thức khác nhau: 

  • Réponse à une offre: Tìm kiếm các thông tin tìm thực tập sinh phù hợp với các tiêu chí của bạn rồi gửi trực tiếp hồ sơ để được nhận cơ hội thực tập cho offre này. 
  • Candidature spontanée (Gửi đơn xin việc tự nguyện): Bạn quan tâm đến công ty và ngành nghề của họ, bạn không biết liệu có một vị trí thực tập nào cho bạn hay không, bạn gửi hồ sơ của mình trực tiếp tới công ty họ và nêu ra nguyện vọng là muốn tìm thực tập về ngành cụ thể nào đó. Công ty sẽ trả lời bạn nếu họ thấy hứng thú với hồ sơ của bạn. 
  • Gửi hồ sơ qua các forum, salon: Cứ mỗi mùa thực tập, có rất nhiều forum, salon được tổ chức bởi các trường Đại học, các công ty hoặc các đơn vị cơ quan phối hợp với Bộ giáo dục Pháp nhằm tạo điều kiện và cơ hội gặp gỡ giữa các nhà tuyển dụng và các sinh viên, người tìm việc. Bạn có thể tới tham gia những forum này để nghe các công ty giới thiệu và gửi hồ sơ thực tập của bạn đến họ. 
  • Tìm qua người thân, bạn bè ở Pháp: Bạn có thể nói cho bạn bè và những người bạn quen biết về việc bạn đang tìm kiếm cơ hội thực tập về ngành nào đso cụ thể với thời gian là bao lâu và nhờ họ hỏi xem công ty của họ có cần thực tập sinh trong lĩnh vực này không hoặc họ có biết ai cần giúp đỡ thì giới thiệu giúp bạn.
  • LinkedIn: Bạn có thể đăng CV và viết thư tìm job thực tập trên tài khoản LinkedIn của mình. 
  • Qua các công ty, tổ chức hợp tác với trường: Thường mỗi trường đại học đều có hợp tác với một số công ty, tổ chức có ngành học liên quan. Mỗi năm, họ sẽ mở nhiều vị trí thực tập và gửi cho trường, trường sẽ thông tin tới các sinh viên cần tìm thực tập của mình, các bạn có thể gửi hồ sơ của mình cho những vị trí thực tập bạn thấy phù hợp. 
  • Ngoài thực tập tại Pháp, bạn hoàn toàn có thể thực tập tại các nước khác. Nếu bạn có vốn ngoại ngữ tốt, đừng ngần ngại giới hạn ứng tuyển chỉ trong nước Pháp, bạn hoàn toàn có thể thử sức tại các nước lân cận như Bỉ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… hay thậm chí về Việt Nam thực tập.

Một số trang tuyển dụng bạn có thể tham khảo khi tìm thực tập tại Pháp như:

  • www.afij.org
  • www.capcampus.com
  • www.cidj.asso.fr
  • www.directetudiant.com
  • www.e-go.fr
  • www.en-stage.com
  • www.jobalacarte.com
  • www.jobstage.com
  • www.placeojeunes.com
  • www.kapstage.com
Kinh nghiệm xin thực tập tại Pháp - Hướng dẫn A–Z cho sinh viên quốc tế 2025
Sinh viên có thể tìm kiếm các vị trí thực tập qua các công ty, tập đoàn đối tác của trường theo học

4. Chuẩn bị hồ sơ xin thực tập tại Pháp 

Hồ sơ nộp khi xin thực tập

  • CV (Curriculum Vitae): Trình bày ngắn gọn (1 trang), thể hiện rõ kinh nghiệm, kỹ năng và thành tựu học tập.
  • Lettre de motivation (Thư động lực): Viết riêng cho từng vị trí, nêu rõ lý do bạn chọn công ty và đề tài thực tập.
  • Tài liệu bổ sung: Bảng điểm, chứng chỉ, dự án cá nhân (portfolio, GitHub… nếu có).

Hồ sơ pháp lý khi xin thực tập

  • Convention de stage: Thỏa thuận ba bên giữa bạn, trường và doanh nghiệp, ghi rõ vị trí, thời gian, nhiệm vụ và lương.
  • Visa thực tập (visa stagiaire): Nếu bạn thực tập trên 90 ngày mà không còn theo học tại Pháp.
  • Bảo hiểm: Phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự và tai nạn lao động (do trường hoặc cá nhân cung cấp).

Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị kỹ năng phù hợp trước khi nộp đơn. 

  • Tiếng Pháp: Nếu thực tập trong môi trường sử dụng tiếng Pháp, việc có khả năng giao tiếp tiếng Pháp tốt là vô cùng quan trọng – tối thiểu nên đạt trình độ B2. 
  • Kinh nghiệm làm việc: kể cả những công việc không liên quan trực tiếp đến ngành học, vẫn có thể giúp bạn nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng. 
  • Kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề – những yếu tố ngày càng được đánh giá cao trong môi trường thực tập chuyên nghiệp tại Pháp.

5. Quy trình phỏng vấn thực tập tại Pháp 

Thường có từ 1-3 vòng, bao gồm phỏng vấn nhân sự, quản lý chuyên môn và/hoặc làm bài kiểm tra kỹ năng. Nhà tuyển dụng đánh giá rất kỹ lưỡng vì họ có thể tuyển thực tập sinh làm chính thức sau khi tốt nghiệp. Hãy luyện tập kỹ năng trả lời phỏng vấn, chuẩn bị câu chuyện cá nhân, động lực nghề nghiệp và hiểu biết về công ty.

Về quá trình xin thực tập, sau khi nhận hồ sơ của bạn, công ty sẽ nghiên cứu và trả lời bạn trong khoảng 3-4 tuần sau đó, hoặc nếu nhanh có thể từ vài ngày đến một tuần. Nếu được tuyển, bạn sẽ phải trải qua 1 đến 2 vòng phỏng vấn. Thành công ở vòng loại này bạn sẽ được nhận vào làm thực tập sinh. 

Nhiều thực tập cuối khoá học (stage de fin d’études) có thể mang tính chất “pré-embauche”. Có nghĩa là nếu bạn làm việc tốt, công ty sẽ nhận bạn vào làm việc chính thức với hợp đồng ngắn hạn (CDD) hoặc dài hạn (CDI) sau khi kết thúc thực tập. 

6. Mức lương thực tập

Sinh viên được trả lương từ 550 – 1.500 euro/tháng tùy ngành nghề, địa điểm và quy mô doanh nghiệp. Bạn hoàn toàn có thể thương lượng lương nếu có hồ sơ mạnh hoặc kinh nghiệm phù hợp. Hãy tìm hiểu mức lương thực tế của ngành trước khi đề xuất.

Xem thêm: Mức lương tối thiểu ở Pháp năm 2025: Cập nhật mới nhất

7. Một số lưu ý khi xin thực tập tại Pháp 

Chọn thực tập đúng ngành học

Hãy ưu tiên các vị trí thực tập có liên quan trực tiếp đến chuyên ngành bạn đang theo học. Việc này không chỉ giúp bạn áp dụng kiến thức vào thực tiễn mà còn là điều kiện cần để được trường và công ty ký xác nhận. Nếu vị trí thực tập không phù hợp, hồ sơ của bạn rất dễ bị từ chối. Hãy trao đổi thường xuyên với giáo viên hướng dẫn tại trường để được định hướng tốt nhất.

Chuẩn bị hồ sơ thật chỉn chu

Một bộ hồ sơ xin thực tập chất lượng cần có CV rõ ràng, súc tích, nổi bật kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp với vị trí ứng tuyển. Ngoài ra, thư động lực (lettre de motivation) phải được cá nhân hóa cho từng công ty – tránh viết chung chung. Bạn có thể sử dụng các công cụ tạo CV chuyên nghiệp như Canva, resume.io, CV Maker để tạo ấn tượng tốt ngay từ vòng đầu tiên.

Rèn luyện kỹ năng phỏng vấn

Phỏng vấn xin thực tập có thể diễn ra trong 1–3 vòng, tùy doanh nghiệp. Ngoài phỏng vấn trực tiếp, một số công ty có thể yêu cầu làm bài kiểm tra IQ, logic hoặc ngoại ngữ. Hãy chuẩn bị phần giới thiệu bản thân thật tốt, nêu rõ quá trình học tập, các kỹ năng liên quan và lý do bạn muốn thực tập tại công ty. Thái độ tự tin, chuyên nghiệp và cầu thị sẽ giúp bạn ghi điểm mạnh mẽ.

Tìm hiểu và thương lượng mức lương

Thông thường, sinh viên bậc Cử nhân nhận được khoảng 500 euro/tháng, trong khi bậc Thạc sĩ dao động từ 550 – 1.500 euro/tháng. Hãy tham khảo mức lương phổ biến trong ngành từ các anh chị khóa trước hoặc giáo viên, và mạnh dạn thương lượng khi cần thiết – nhất là khi công ty chưa đề cập đến mức lương. Với kỳ thực tập trên 2 tháng, trả lương là nghĩa vụ bắt buộc theo luật.

Nộp hồ sơ càng sớm càng tốt

Việc tìm thực tập ở Pháp có thể mất nhiều tháng, đặc biệt với sinh viên quốc tế gặp rào cản ngôn ngữ và ít kinh nghiệm hơn sinh viên bản địa. Bạn nên bắt đầu tìm kiếm từ đầu năm học. Trung bình có thể phải gửi hàng chục đến hàng trăm hồ sơ mới có phản hồi, vì vậy đừng nản chí. Mỗi lần phỏng vấn là một lần tích lũy kinh nghiệm.

Kinh nghiệm xin thực tập tại Pháp - Hướng dẫn A–Z cho sinh viên quốc tế 2025
Kinh nghiệm xin thực tập tại Pháp giúp bạn sẵn sàng hơn khi bước vào thị trường lao động 

8. Báo cáo thực tập cuối kỳ

Sau khi kết thúc kỳ thực tập, sinh viên cần hoàn thành báo cáo thực tập cuối kỳ như một phần bắt buộc trong quá trình đánh giá học phần. Cụ thể, bạn cần thực hiện các bước sau:

  • Viết báo cáo tổng kết: Ghi lại quá trình thực tập, bao gồm thông tin về doanh nghiệp, mô tả công việc được giao, các dự án/thao tác đã thực hiện, kỹ năng học được và những khó khăn gặp phải.
  • Xin nhận xét từ doanh nghiệp: Báo cáo thường cần có phiếu đánh giá hoặc thư nhận xét từ người hướng dẫn tại nơi thực tập.
  • Nộp báo cáo & bảo vệ tại trường (nếu yêu cầu): Một số trường yêu cầu sinh viên trình bày hoặc bảo vệ báo cáo trước hội đồng. Hãy chuẩn bị bài thuyết trình ngắn gọn, thể hiện sự hiểu biết và chủ động của bạn trong suốt kỳ thực tập.

Lưu ý: Hình thức và nội dung báo cáo có thể khác nhau tùy theo quy định của từng trường hoặc khoa, vì vậy bạn nên kiểm tra kỹ hướng dẫn của giảng viên phụ trách.

Việc xin thực tập tại Pháp là một hành trình không hề dễ dàng nhưng lại vô cùng xứng đáng để đầu tư thời gian và công sức. Mỗi đơn ứng tuyển, mỗi buổi phỏng vấn, và từng dòng trong CV hay thư động lực đều là bước đệm giúp bạn tiến gần hơn đến sự nghiệp mơ ước tại châu Âu.

Đừng ngại bắt đầu sớm, đừng sợ thất bại – vì mỗi lần bị từ chối là một lần bạn hiểu rõ hơn về bản thân và nâng cao cơ hội cho lần sau. Hãy chuẩn bị hồ sơ thật chỉn chu, rèn luyện kỹ năng phỏng vấn và luôn giữ cho mình một tinh thần chủ động, cầu tiến. Chúc tất cả các bạn sẽ có một hành trình du học tại Pháp thật đẹp và nhiều kỷ niệm.

Liên hệ Kết nối du học Pháp SmartA ngay để được MIỄN PHÍ hồ sơ đăng ký dự tuyển tại các trường mà SmartA là đại diện tuyển sinh

Hotline:

  1. Du học châu Âu: 0969556827
  2. Du học Canada, Mỹ, Singapore, Úc: 0988978384

Địa chỉ:

  1. SmartA Hà Nội: Tầng 4, Toà nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà,Quận Cầu Giấy, Hà Nội
  2. SmartA TP. Hồ Chí Minh: Toà nhà Lim Tower 3, 29A Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
  3. SmartA châu Âu: Lisdonagh, Bishop O’donnell Road, Galway, Ireland.
  4. SmartA Canada: 1322 Rockland Ave, Victoria, BC V8S 1V6 Canada

Thông tin khác:

Đánh giá bài viết