Nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật (Craft and Fine Artists) sử dụng nhiều vật liệu và kỹ thuật khác nhau để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo cho mục đích bán và trưng bày. Nghệ nhân thủ công tạo ra các vật dụng như đồ gốm, thủy tinh và dệt may được thiết kế để có chức năng. Nghệ sĩ mỹ thuật, bao gồm họa sĩ, nhà điêu khắc và người vẽ minh họa, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật nhằm phục vụ mục đích thẩm mỹ hơn là chức năng. Triển vọng tăng trưởng ngành nghề 2023-2033 là 3%, bằng với mức tăng trung bình của tất cả các ngành nghề.
Link nguồn: Craft and Fine Artists: Occupational Outlook Handbook: U.S. Bureau of Labor Statistics
Tóm tắt nội dung
- Thông tin chung
- Nhiệm vụ chính của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
- Tình hình việc làm và môi trường làm việc của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
- Yêu cầu về học vấn và kỹ năng của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
- Thu nhập của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
- Dự báo nhu cầu việc làm của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
Thông tin chung
Mức lương trung vị năm 2023 | $52.910 /năm $25,44 /giờ |
Bằng cấp yêu cầu | xem trong bài |
Kinh nghiệm làm việc yêu cầu | Không |
Số lượng công việc trong năm 2023 | 54.000 |
Triển vọng tăng trưởng ngành nghề 2023-2033 | 3% (bằng mức trung bình) |
Nhiệm vụ chính của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
Nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật thường thực hiện các công việc sau:
- Sử dụng các kỹ thuật như đan, dệt, thổi thủy tinh, vẽ tranh, phác thảo và điêu khắc.
- Phát triển ý tưởng sáng tạo hoặc phương pháp mới để tạo ra tác phẩm nghệ thuật.
- Tạo bản phác thảo, khuôn mẫu hoặc mô hình để định hình công việc của họ.
- Chọn vật liệu sử dụng dựa trên màu sắc, kết cấu, độ bền và các tiêu chí khác.
- Định hình, ghép nối hoặc cắt vật liệu để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
- Sử dụng các kỹ thuật hình ảnh như bố cục, màu sắc, không gian và phối cảnh để tạo ra hiệu ứng nghệ thuật mong muốn.
- Xây dựng danh mục tác phẩm nhấn mạnh vào phong cách và khả năng nghệ thuật của họ để giới thiệu cho chủ phòng trưng bày và những người quan tâm.
- Trưng bày tác phẩm của mình tại các cuộc đấu giá, hội chợ thủ công, phòng trưng bày, bảo tàng và các chợ trực tuyến.
- Hoàn thiện các đề xuất và đơn xin tài trợ để nhận hỗ trợ tài chính cho các dự án.
Nghệ sĩ tạo ra những tác phẩm đẹp mắt, kích thích tư duy và đôi khi gây sốc. Họ thường cố gắng truyền tải ý tưởng hoặc cảm xúc qua tác phẩm của mình.
Nghệ nhân làm việc với nhiều loại vật liệu khác nhau, bao gồm gốm, thủy tinh, vật liệu dệt, gỗ, kim loại và giấy. Họ sử dụng các vật liệu này để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo như đồ gốm, chăn bông, kính màu, đồ nội thất, trang sức và quần áo. Nhiều nghệ nhân cũng sử dụng các kỹ thuật mỹ thuật—ví dụ, vẽ tranh, phác thảo và in ấn—để tạo điểm nhấn cho sản phẩm của họ.
Nghệ sĩ mỹ thuật thường trưng bày tác phẩm của mình tại các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật thương mại hoặc phi lợi nhuận, hội chợ thủ công, bộ sưu tập công ty, trên Internet và tại nhà riêng. Một số tác phẩm của họ có thể được đặt hàng riêng (theo yêu cầu của khách hàng), nhưng hầu hết được bán trực tiếp, thông qua phòng trưng bày nghệ thuật hoặc người bán chuyên nghiệp. Nghệ sĩ, phòng trưng bày và người bán cùng thỏa thuận trước về tỷ lệ phần trăm thu nhập từ việc bán tác phẩm.
Hầu hết các nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật dành thời gian và nỗ lực bán tác phẩm nghệ thuật của mình cho khách hàng tiềm năng và xây dựng danh tiếng. Bên cạnh việc bán tác phẩm, nhiều nghệ sĩ có ít nhất một công việc khác để hỗ trợ sự nghiệp nghệ thuật của mình.
Một số nghệ sĩ làm việc trong các bảo tàng hoặc phòng trưng bày nghệ thuật với vai trò giám đốc nghệ thuật hoặc người lưu trữ, giám tuyển, hoặc nhân viên bảo tàng, lên kế hoạch và thiết lập các buổi triển lãm. Một số khác dạy các lớp nghệ thuật hoặc thủ công hoặc tổ chức hội thảo tại các trường học hoặc trong studio của riêng họ.
Sau đây là ví dụ về phân loại nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
- Họa sĩ biếm họa: Vẽ những hình ảnh đơn giản hoặc phóng đại để truyền tải ý tưởng chính trị, quảng cáo, truyện tranh hoặc thể thao. Một số họa sĩ biếm họa làm việc với những người khác để đưa ra ý tưởng hoặc câu chuyện và viết chú thích. Có người tự mình đưa ra cốt truyện và viết chú thích cho câu chuyện của mình. Hầu hết họa sĩ biếm họa đều có khiếu hài hước, khả năng phê bình hoặc kịch tính bên cạnh khả năng hội họa.
- Nghệ sĩ gốm: Tạo hình, nặn và tạo các tác phẩm từ đất sét bằng bàn xoay và các công cụ khác của thợ làm gốm. Sau đó các sản phẩm được tráng men, nung trong lò nung để cho sản phẩm hoàn thiện
- Nghệ sĩ kỹ thuật số: Sử dụng phần mềm để tạo ra nghệ thuật tương tác trực tuyến. Hình ảnh kỹ thuật số sau đó có thể được chuyển sang giấy hoặc một hình thức in ấn khác, hoặc có thể được cung cấp trực tiếp trên các thiết bị có thể truy cập vào website.
- Nghệ sĩ dệt: Sử dụng vải, sợi hoặc các vật liệu tự nhiên và tổng hợp để dệt, đan, móc hoặc may các sản phẩm dệt. Họ có thể sử dụng khung cửi để dệt vải, kim đan hoặc móc sợi, máy khâu để ghép các mảnh vải thành chăn hoặc các đồ thủ công khác.
- Họa sĩ mỹ thuật: Vẽ phong cảnh, chân dung và các chủ đề khác theo nhiều phong cách khác nhau từ hiện thực đến trừu tượng. Họ có thể làm việc với nhiều phương tiện khác nhau, như màu nước, sơn dầu và acrylic.
- Thợ làm đồ nội thất: cắt, bào, ghép và hoàn thiện gỗ và các vật liệu khác để tạo ra các sản phẩm nội thất thủ công.
- Nghệ nhân làm thủy tinh: Xử lý thủy tinh bằng các phương pháp như thổi, tạo hình, nhuộm hoặc ghép nối để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Một số quy trình cần sử dụng lò nung hoặc các thiết bị công cụ khác để uốn cong thủy tinh ở nhiệt độ cao. Nghệ nhân làm thủy tinh cũng có thể trang trí sản phẩm của mình bằng cách khắc hoặc sơn, vẽ.
- Họa sĩ minh họa: Vẽ tranh minh họa cho sách, tạp chí, ấn phẩm và các sản phẩm thương mại ví dụ như sản phẩm dệt may, giấy bao bì, văn phòng phẩm, thiệp chúc mừng và lịch. Họa sĩ minh họa có thể sử dụng máy tính trong công việc của mình. Họ có thể vẽ bằng bút chì rồi quét hình ảnh, sử dụng phần mềm để thêm màu hoặc sử dụng các loại bút đặc biệt để vẽ trực tiếp trên máy tính.
- Nghệ nhân trang sức: Sử dụng kim loại, đá quý, hạt và các vật liệu khác để làm đồ trang sức, như hoa tai, vòng cổ.
- Họa sĩ minh họa y học và khoa học: Kết hợp kỹ năng vẽ với kiến thức về sinh học hoặc khoa học. Họa sĩ minh họa y khoa sử dụng máy tính hoặc bút và giấy để tạo hình ảnh, mô hình ba chiều và hoạt hình về giải phẫu người cũng như các quy trình phẫu thuật. Họa sĩ minh họa khoa học vẽ động vật và thực vật, cấu trúc nguyên tử và phân tử; quá trình kiến tạo địa chất và hành tinh. Những minh họa này được sử dụng trong các ấn phẩm y khoa và khoa học cũng như trong các bài thuyết trình dùng cho mục đích giảng dạy. Một số làm việc cho các luật sư để minh họa lại các bằng chứng sử dụng cho các vụ án tại tòa.
- Nghệ sĩ công cộng: Tạo ra các bức tranh, tác phẩm điêu khắc tượng và các tác phẩm trưng bày lớn thường được gọi là “sắp đặt” để trưng bày ở các không gian mở như công viên, sân bảo tàng, bến tàu và các khu vực công cộng khác.
- Nghệ nhân in ấn: Tạo ra hình ảnh trên màn lụa, bản khắc gỗ, đá in thạch bản, tấm khắc kim loại hoặc các loại bản in khác. Sau đó họ dùng máy in thủ công để tạo ra sản phẩm nghệ thuật, để in hoặc chuyển mẫu in sang giấy.
- Nhà điêu khắc: Tạo ra các tác phẩm nghệ thuật ba chiều từ các vật liệu như đất sét, thủy tinh, nhựa và kim loại bằng cách cắt và chạm khắc từ một khối thạch cao, gỗ hoặc đá. Một số nhà điêu khắc kết hợp nhiều vật liệu khác nhau để tạo ra tác phẩm sắp đặt đa phương tiện như bằng cách kết hợp ánh sáng, âm thanh và chuyển động vào tác phẩm của họ.
- Nghệ sĩ phác họa: Sử dụng bút chì, than chì hoặc phấn màu để tạo các bản phác họa của đối tượng cần phác họa. Đôi khi các bản phác họa của họ được các cơ quan điều tra sử dụng để giúp xác định nghi phạm, được phương tiện truyền thông đưa tin từ tòa án hoặc được khách hàng cá nhân tự thưởng thức.
- Nghệ sĩ xăm hình: Sử dụng các mẫu hoặc vẽ tay để tạo hình ảnh và chữ viết lên da. Họ thường sử dụng các loại kim chuyên dụng để thực hiện theo yêu cầu của khách hàng.
- Nghệ sĩ video: Ghi lại hình ảnh chuyển động để trình chiếu trong các phòng trưng bày, bảo tàng hoặc không gian biểu diễn. Đôi khi họ phải sử dụng nhiều màn hình hoặc tạo ra không gian đặc biệt để trình chiếu.
Tình hình việc làm và môi trường làm việc của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
Trong năm 2023, có khoảng 54.000 vị trí việc làm cho nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật. Việc làm trong các ngành nghề cụ thể của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật được phân bổ như sau:
- Nghệ sĩ mỹ thuật, bao gồm họa sĩ, nhà điêu khắc và họa sĩ minh họa: 26.300
- Nghệ nhân thủ công: 14.300
- Nghệ sĩ và các nhân viên liên quan khác: 13.400
Các ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất cho nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật bao gồm:
- Người hoạt động tự doanh: 55%
- Nghệ sĩ, nhà văn và người biểu diễn độc lập: 8%
- Chính phủ liên bang, trừ dịch vụ bưu điện: 7%
- Ngành công nghiệp phim ảnh và ghi âm: 3%
- Dịch vụ chăm sóc cá nhân: 2%
Nhiều nghệ sĩ làm việc trong các studio nghệ thuật mỹ thuật hoặc thương mại nằm trong các tòa nhà văn phòng, kho hàng, hoặc tầng gác mái. Một số khác làm việc trong các studio riêng tại nhà. Một số nghệ sĩ chia sẻ không gian studio, nơi họ cũng có thể trưng bày tác phẩm của mình.
Các studio thường được chiếu sáng và thông gió tốt. Tuy nhiên, nghệ sĩ có thể tiếp xúc với các khói và hơi từ keo, sơn, mực và các vật liệu khác. Họ cũng có thể phải xử lý bụi hoặc các rác khác từ mạt dũa, sơn bị văng ra, hoặc các dung dịch làm sạch bị tràn ra. Nghệ sĩ thường phải mặc thiết bị bảo hộ, như mặt nạ phòng độc và kính bảo hộ, để tránh tiếp xúc với các vật liệu có hại. Nghệ nhân gốm và thủy tinh phải thận trọng khi làm việc với các vật liệu có thể bị vỡ thành mảnh sắc nhọn và khi sử dụng các thiết bị rất nóng như lò nung.
Lịch làm việc
Hầu hết nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật làm việc toàn thời gian, mặc dù lịch làm việc bán thời gian và linh hoạt cũng khá phổ biến. Nhiều người có thêm một công việc khác bên cạnh công việc nghệ sĩ của mình. Trong các giai đoạn bận rộn, nghệ sĩ có thể phải làm thêm giờ để hoàn thành đúng thời hạn. Những người làm việc tự do thường tự quyết định lịch làm việc của mình.
Yêu cầu về học vấn và kỹ năng của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
Nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật cải thiện kỹ năng của họ thông qua thực hành lặp đi lặp lại. Giáo dục chính quy cũng sẽ rất hữu ích đối với các nghệ sĩ.
Trình độ học vấn
Hầu hết các nghệ sĩ mỹ thuật theo học bậc đại học để nâng cao kỹ năng và triển vọng nghề nghiệp. Thông thường, một chứng chỉ giáo dục chính quy không cần thiết để trở thành nghệ nhân thủ công. Tuy nhiên, rất khó để có được kỹ năng nghệ thuật đầy đủ mà không trải qua một số hình thức giáo dục chính quy. Ví dụ, các lớp học nghệ thuật ở trường trung học có thể dạy các nghệ nhân thủ công tương lai những kỹ năng vẽ cơ bản mà họ cần.
Nhiều trường cao đẳng và đại học cung cấp bằng cử nhân và thạc sĩ trong các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật và nghệ thuật biểu diễn. Ngoài nghệ thuật thực hành và lịch sử nghệ thuật, các chương trình sau trung học có thể bao gồm các môn cơ bản như tiếng Anh, tiếp thị, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Các trường nghệ thuật và thiết kế độc lập cũng cung cấp các chương trình giáo dục sau trung học, có thể có chứng chỉ trong một chuyên ngành liên quan đến nghệ thuật hoặc bằng liên kết, cử nhân hoặc thạc sĩ mỹ thuật.
Hiệp hội các Trường Nghệ thuật và Thiết kế Quốc gia (NASAD) cấp phép cho hơn 360 tổ chức sau trung học có các chương trình về nghệ thuật và thiết kế. Phần lớn các trường này cấp bằng về nghệ thuật.
Những họa sĩ minh họa y khoa phải có khả năng nghệ thuật và kiến thức chi tiết về giải phẫu người hoặc động vật, sinh vật sống và các quy trình y học và phẫu thuật. Họ thường cần có bằng cử nhân kết hợp giữa nghệ thuật và các khóa học tiền y khoa. Các họa sĩ minh họa y khoa có thể chọn lấy bằng thạc sĩ về minh họa y khoa. Ở Hoa Kỳ, có bốn trường được cấp phép cung cấp bằng cấp này.
Giáo dục cung cấp cho nghệ sĩ cơ hội phát triển danh mục sản phẩm của họ là một bộ sưu tập các tác phẩm của nghệ sĩ thể hiện phong cách và khả năng của họ. Danh mục này rất quan trọng, vì giám đốc nghệ thuật, khách hàng và những người khác sẽ xem xét chúng khi quyết định có thuê một nghệ sĩ hoặc mua tác phẩm của nghệ sĩ đó hay không. Bên cạnh việc lập danh mục sản phẩm vật lý, nhiều nghệ sĩ chọn tạo một danh mục sản phẩm trực tuyến.
Những người muốn giảng dạy mỹ thuật tại các trường tiểu học hoặc trung học công lập thường phải có chứng chỉ giảng dạy ngoài bằng cử nhân. Để biết thêm thông tin về những người giảng dạy các lớp nghệ thuật, hãy xem các hồ sơ về giáo viên mẫu giáo và tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông, giáo viên giáo dục nghề nghiệp và kỹ thuật, và giáo viên sau trung học.
Đào tạo
Nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật cải thiện kỹ năng của họ thông qua việc thực hành và lặp lại. Họ có thể được đào tạo theo nhiều cách khác nhau bên cạnh việc học chính quy. Nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật có thể tập luyện với các dự án đơn giản trước khi thử sức với những dự án tham vọng hơn.
Một số nghệ sĩ học hỏi khi làm việc từ những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm hơn. Những người khác tham gia các lớp học không cấp chứng chỉ, các hội thảo hoặc tham gia các khó học riêng, được tổ chức tại các studio của nghệ sĩ hoặc tại các trường cao đẳng cộng đồng, trung tâm nghệ thuật, phòng trưng bày, bảo tàng hoặc các tổ chức liên quan đến nghệ thuật khác.
Những phẩm chất quan trọng
- Khả năng nghệ thuật: Nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật tạo ra các tác phẩm nghệ thuật và các sản phẩm khác có tính thẩm mỹ hoặc kích thích tư duy. Công việc này thường yêu cầu kỹ năng cao và chú ý đến chi tiết trong một hoặc nhiều hình thức nghệ thuật.
- Kỹ năng kinh doanh: Nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật phải tự quảng bá được về bản thân và tác phẩm của mình để xây dựng danh tiếng và bán tác phẩm. Họ thường nghiên cứu thị trường cho sản phẩm của mình để hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật cũng có thể bán tác phẩm của mình trên internet, vì vậy việc xây dựng hình ảnh trực tuyến thường là một phần quan trọng trong việc bán hàng của họ.
- Kỹ năng sáng tạo: Nghệ sĩ phải có trí tưởng tượng phong phú để phát triển những ý tưởng mới và độc đáo cho tác phẩm của mình.
- Kỹ năng phục vụ khách hàng: Nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật, đặc biệt là những người tự bán sản phẩm của mình, cần giỏi trong việc xử lý khách hàng và người mua tiềm năng.
- Khéo léo: Nghệ sĩ phải khéo tay trong việc sử dụng các công cụ và vật liệu để tạo ra tác phẩm.
- Kỹ năng giao tiếp: Nghệ sĩ cần thoải mái khi giao tiếp với mọi người, bao gồm cả khách hàng, chủ phòng trưng bày và công chúng.
Cơ hội thăng tiến
Nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật trở thành chuyên nghiệp khi tác phẩm của họ được truyền bá và khi họ xây dựng được danh tiếng với phong cách riêng của mình. Những nghệ sĩ thành công liên tục phát triển ý tưởng mới, và tác phẩm của họ thường tiến triển theo thời gian.
Cho đến khi được công nhận là nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhiều nghệ sĩ vẫn sáng tạo tác phẩm trong khi giữ một công việc toàn thời gian. Những người khác làm việc bán thời gian trong khi vẫn đi học để tích lũy kinh nghiệm và xây dựng danh mục sản phẩm.
Nghệ sĩ tự do và làm việc tự do cố gắng xây dựng một nhóm khách hàng thường xuyên thuê họ. Một số nghệ sĩ được công nhận nhờ kỹ năng trong một chuyên ngành, ví dụ như vẽ tranh biếm họa hoặc minh họa sách thiếu nhi.
Thu nhập của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
Theo dữ liệu ghi nhận trong tháng 5 năm 2023, mức lương trung vị hàng năm của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật là $52.910. Lương trung vị là mức lương mà một nửa số lao động trong một ngành kiếm được cao hơn mức đó và nửa còn lại kiếm được ít hơn. Trong đó, nhóm 10% có thu nhập thấp nhất kiếm được ít hơn $27.110 và nhóm 10% có thu nhập cao nhất kiếm được nhiều hơn $129.440.
Cũng theo dữ liệu ghi nhận trong tháng 5 năm 2023, mức lương trung vị hàng năm của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật như sau:
- Nghệ sĩ và các nhân viên liên quan khác: $74.750
- Nghệ sĩ mỹ thuật, bao gồm họa sĩ, nhà điêu khắc và họa sĩ minh họa: $59.300
- Nghệ nhân thủ công: $36.600
Mức lương trung vị hàng năm cho nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật trong các lĩnh vực phổ biến mà họ làm việc là:
- Chính phủ, trừ dịch vụ bưu điện: $105.640
- Ngành công nghiệp phim ảnh và ghi âm: $95.590
- Dịch vụ chăm sóc cá nhân: $49.170
- Nghệ sĩ, nhà văn và người biểu diễn độc lập: $45.970
Thu nhập của các nghệ sĩ hoạt động tự do dao động rất lớn. Một số người chỉ thu một khoản phí danh nghĩa khi họ tích lũy kinh nghiệm và xây dựng danh tiếng cho công việc của mình. Những nghệ sĩ có uy tín cao có thể kiếm được nhiều hơn so với các nghệ sĩ hưởng lương.
Dự báo nhu cầu việc làm của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật
Dự kiến, nhu cầu việc làm của nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật sẽ tăng 3% từ năm 2023 đến năm 2033, tương đương với tốc độ tăng trưởng trung bình cho tất cả các ngành nghề. Trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 4.900 cơ hội việc làm cho nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật. Phần lớn các vị trí này phát sinh từ nhu cầu thay thế những người lao động chuyển sang các nghề khác hoặc rời khỏi lực lượng lao động, ví dụ như nghỉ hưu.
Cơ hội việc làm
Sự tăng trưởng việc làm cho nghệ sĩ phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế chung và liệu mọi người có sẵn sàng chi tiền cho nghệ thuật hay không. Trong thời kỳ kinh tế phát triển, cá nhân và doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc mua các tác phẩm nghệ thuật; ngược lại, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, họ thường mua ít hơn. Tuy nhiên, vẫn luôn có một số nhu cầu về nghệ thuật từ các nhà sưu tập tư nhân và bảo tàng.
Tăng trưởng việc làm cho nghệ nhân và nghệ sĩ mỹ thuật có thể bị hạn chế bởi sự xuất hiện của các sản phẩm sản xuất bằng máy móc giá rẻ được thiết kế trông giống như thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, sự quan tâm liên tục đối với các sản phẩm sản xuất tại địa phương và hàng thủ công có thể tạo ra cơ hội việc làm cho những lao động này.
Nguồn: U.S. Bureau of Labor Statistics (Cục Thống kê lao động Mỹ)
(*) Tài liệu được lấy từ nguồn của Cục thống kê lao động Mỹ nên sẽ có những điểm khác biệt so với thị trường lao động Việt Nam, nhưng chúng tôi tin rằng những thông tin này vẫn sẽ là một nguồn tư liệu vô cùng bổ ích cho các bạn trẻ trong quá trình tìm hiểu thế giời ngành nghề từ đó đưa ra được những quyết định phù hợp với bản thân, thực tế xã hội, đặc biệt cho các quyết định chọn ngành nghề du học.
Để tìm hiểu về các cơ hội du học cũng như học bổng nghề NGHỆ NHÂN VÀ NGHỆ SĨ MỸ THUẬT, vui lòng liên hệ với SmartA để biết thêm thông tin chi tiết.
Du học SmartA – Nơi gửi trọn niềm tin du học
Hotline:
- Du học châu Âu: 0969556827
- Du học Canada, Mỹ, Singapore: 0988978384
-> Hotline/Zalo hỗ trợ tư vấn chung Miền Bắc & Miền Trung: 098 634 5518
-> Hotline/Zalo hỗ trợ tư vấn chung Miền Nam: 098 938 7836
Địa chỉ:
- SmartA Hà Nội: Tầng 4, Toà nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà,Quận Cầu Giấy, Hà Nội
- SmartA TP. Hồ Chí Minh: Toà nhà Lim Tower 3, 29A Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
- SmartA châu Âu: Lisdonagh, Bishop O’donnell Road, Galway, Ireland.
- SmartA Canada: 1322 Rockland Ave, Victoria, BC V8S 1V6 Canada
Thông tin khác:
- Website: https://smarta.vn
- Email: marketing@smarta.vn / partners@smarta.vn