Hà Lan là một quốc gia có nền kinh tế phát triển và thị trường việc làm năng động. Đây là một điểm đến hấp dẫn đối với du học sinh quốc tế, những người muốn tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Xin việc tại Hà Lan là một chủ đề được nhiều phụ huynh, học sinh và đặc biệt là các bạn du học sinh (DHS) sắp hoặc đang học tập tại quốc gia xinh đẹp này. Cùng SmartA tìm hiểu qua những chia sẻ thực tế từ 1 DHS tại đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Các nguồn tìm kiếm, yêu cầu làm việc, các tips khi xin việc
1. Các nguồn tìm kiếm việc làm ở Hà Lan
Tìm việc ở Hà Lan có thể thông qua nhiều nguồn khác nhau. Dưới đây là một số nguồn phổ biến mà bạn có thể thử nghiệm:
1.1. Trang web tuyển dụng
Các vị trí tuyển dụng của Hà Lan thường được đăng tải trên các trang web tuyển dụng như Indeed.nl, monsterboard.nl, nationalevacaturebank.nl, pagepersonnel.nl, glassdoor,…
Các trang web này có lượng tổng hợp thông tin cao, hầu hết các vị trí trống đều được đăng tải trên các nền tảng online.
Mỗi trường đại học ở Hà Lan đều có cổng thông tin tuyển dụng (career portal) riêng, với các cơ hội độc quyền nên sinh viên hoàn toàn có thể tận dụng nguồn thông tin này để tìm kiếm cơ hội cho mình.
Khi tìm thông tin trên các trang web này, các bạn chỉ cần nhập tên ngành nghề mà mình muốn, kết quả sẽ hiển thị vị trí ở đa dạng các công ty khác nhau. Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng có thể thấy hồ sơ của bạn và offer công việc nếu thấy phù hợp.
1.2. Trang web chính thức của công ty
Các bạn có thể kiểm tra trang web chính thức của công ty mà bạn mong muốn được làm việc để xem có thông tin tuyển dụng về vị trí trống nào không.
Thông tin tuyển dụng trên website của công ty rất chính xác nên các bạn có thể kiểm tra thường xuyên để apply một cách sớm nhất.
1.3. LinkedIn
LinkedIn là một nền tảng mạng xã hội chuyên nghiệp, là nơi mà bạn có thể kết nối với các nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm và xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp của mình.
Tỉ lệ tìm kiếm việc thành công trên LinkedIn là rất cao. Các công ty sẽ đăng tải những vị trí trống trên LinkedIn, và bạn cũng có thể dùng LinkedIn để kêu gọi sự hỗ trợ từ những kết nối cá nhân. Các bạn có thể connect với những nhân viên đang làm việc tại công ty để có thể xin kinh nghiệm ứng tuyển.
1.4. Các công ty môi giới và tuyển dụng
Các công ty môi giới và giới thiệu tuyển dụng cũng có thể giúp đỡ các bạn tìm việc. Ví dụ: Page Group, Randstad. Các công ty này sẽ là cầu nối giữa các ứng viên với các công ty. Các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá xem ứng viên có phù hợp với vị trí đang có hay không.
1.5. Các sự kiện ngày hội việc làm
Các trường Đại học, hội nhóm sinh viên thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng. Những sự kiện này rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội việc làm, nên các bạn sinh viên cần phải đi. Các nhà tuyển dụng có thể phỏng vấn tại chỗ và mời sinh viên đến làm nếu như thấy tiềm năng của bạn ngay tại đó.
1.6. Cộng đồng trực tuyến
Các bạn có thể tham gia các cộng đồng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như các hội nhóm sinh viên tại các nước, Vietnamese Professionals Network in the Netherlands (VPNN). Thông tin về các vị trí trống cũng được đăng tải rất nhiều trên nền tảng này.
Nhớ kiểm tra định kỳ và cập nhật hồ sơ của bạn trên các trang web tìm việc để tăng cơ hội tìm được việc làm phù hợp.
2. Một số yêu cầu khi làm việc tại Hà Lan
- Trình độ học vấn
Trình độ học vấn đầu vào của Hà Lan dao động tuỳ theo lĩnh vực, công ty và vịt trí làm việc. Tuy nhiên, yêu cầu của phần lớn các vị trí đều là bằng đại học tuỳ theo chuyên ngành.
- Ngôn ngữ
Ngôn ngữ chính ở Hà Lan là tiếng Hà Lan và Tiếng Anh. Chính vì vậy, có rất nhiều vị trí yêu cầu tiếng Hà Lan. Tuy nhiên, Hà Lan là nơi đặt trụ sở của rất nhiều công ty quốc tế, vận hành bằng Tiếng Anh, nên Tiếng Anh là đủ để tìm kiếm việc làm tại Hà Lan. Bạn có thể học tiếng Hà Lan để có thể giao tiếp cơ bản và dễ dàng hơn trong quá trình làm việc.
- Giấy phép làm việc (work permit)
Nếu như bạn không phải là cư dân Châu Âu, bạn sẽ cần có giấy phép làm việc ở Hà Lan. Công ty sẽ phải chịu trách nhiệm hỗ trợ bạn trong quá trình apply giấy phép.
Năm hướng nghiệp (Orientation year): Các bạn du học sinh sau khi tốt nghiệp Đại học hoặc Thạc sĩ sẽ được phép ở lại 1 năm ở Hà Lan để làm việc.
Sau 1 năm hướng nghiệp, các bạn bắt buộc phải được bảo lãnh visa bởi công ty để có thể tiếp tục làm việc. Phần lớn các công ty ở Hà Lan đều có khả năng bảo lãnh nhân viên quốc tế nên đây không phải là một vấn đề lớn.
- Kinh nghiệm làm việc
Phần lớn các vị trí ở Hà Lan đều yêu cầu kinh nghiệm liên quan, kể cả những vị trí bắt đầu. Kinh nghiệm đó có thể được lấy từ quá trình thực tập, hoạt động tự nguyện hoặc việc làm thêm.
Các yêu cầu sẽ khác nhau phụ thuộc vào từng vị trí, nên các bạn hãy đọc kĩ yêu cầu của vị trí để có thể chuẩn bị cho bản thân một cách tốt nhất trước khi ứng tuyển.
3. Các mẹo khi xin việc tại Hà Lan
3.1. Tips xây dựng hồ sơ cá nhân
- Các nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào CV tổng thể của một cá nhân, xem xét các kĩ năng và kinh nghiệm mà bạn đã có để cân nhắc về mức độ phù hợp của bạn với công ty.
- Nhà tuyển dụng sẽ dành trung bình 30 giây để scan CV, nhiều công ty đã áp dụng công nghệ máy tính để scan CV. Thế nên việc chuẩn bị CV tốt nhất là vô cùng quan trọng. Tips để tạo CV đó là các bạn hãy cho vào CV các từ khoá liên quan tới miêu tả công việc của vị trí mà bạn ứng tuyển, với màu sắc của CV là màu sắc chủ đạo của công ty.
- Một số công ty sẽ yêu cầu thư xin việc (cover letter), bạn cần nhớ cú pháp cho các từ khoá vào thư của mình.
3.2. Tips phỏng vấn
- Phần lớn các công ty đều yêu cầu từ 1-2 vòng phỏng vấn, kèm theo company case (nếu có). Người phỏng vấn sẽ xem xét kĩ về mức độ phù hợp của ứng viên với công ty (các yếu tố bao gồm trình độ chuyên môn, tính cách và phong cách làm việc) nên các bạn có thể xem các nền tảng mạng xã hội của công ty để có được cái nhìn tổng quan về môi trường làm việc tại công ty đó.
3.3. Vị trí công ty
- Các bạn nên tìm kiếm các công ty ở nhiều thành phố ở Hà Lan, không chỉ ở Amsterdam và Rotterdam. Các thành phố như Utrecht, Delft hay Einhoven cũng có rất nhiều các tập đoàn offer các vị trí tiềm năng, với chi phí sinh hoạt rẻ hơn các thành phố trung tâm.
- Bạn có thể mở rộng vòng tìm kiếm với các vị trí ở các công ty start-up, hoặc các vị trí hợp đồng.
- Các công ty start-up sẽ mang lại cho các bạn kinh nghiệm ở đa dạng các ngành nghề vì bạn sẽ có trách nhiệm ở nhiều lĩnh vực hơn.
- Các công việc hợp đồng (contract) cũng rất phổ biến ở Hà Lan. Các công ty có thể offer các vị trí làm hợp đồng trong khoảng thời gian ngắn (6 tháng – 1 năm), và sau đó là vị trí cố định.
Hành trình tìm kiếm việc làm tại Hà Lan cũng khá thử thách, đòi hỏi tính kiên nhẫn và đầu tư thời gian của các bạn. Đây cũng là cơ hội để các bạn trải nghiệm xây dựng sự độc lập và phát triển cá nhân.
Chia sẻ từ Du học sinh Ngô Hà Linh – Năm 3 ngành Quản trị Kinh Doanh quốc tế tại Erasmus University Rotterdam
Vui lòng liên hệ SmartA để được hỗ trợ tư vấn miễn phí và làm hồ sơ du học Hà Lan